Ghe Thuyền
Home ] Lịch Sử Thuyền Bè ] Bộ Phận Thuyền Bè ] Từ TàuThuyền Trong TựĐiển ] Thuyền Hạ Long ] Thuyền Ninh Bình 1 ] Thuyền Ninh Bình 2 ] Bài Vè Thủy Trình ] ThuyềnMáy HơiNước ] [ Petrus Ký&VănHoá Thuyền ] ThuyềnNan CổĐịnh ] Thuyền ViệtNam Italian ]

 

Trương Vĩnh Ký và Văn Hóa thuyền Việt

Notes sur les diverses espèces de bateaux annamites”, trong báo "Bulletin du Comité agricole et industriel de la Cochinchine", deuxième série, T. I, no IV, 1875, p.222 - 226”.

Ông Pétrus Trương Vĩnh Ký là người Việt-Nam đầu tiên đã bàn-luận đến đặc-tính các loại ghe thuyền Việt-Nam trong một bài viết bằng Pháp ngữ, nhan đề Notes sur les diverses espèces de bateaux annamites”, đăng trong Bưu-báo "Bulletin du Comité agricole et industriel de la Cochinchine", deuxième série, T. I, no IV, 1875, các trang 222 - 226.

            Đây là một nghiên cứu sơ bộ về văn hóa ghe thuyền Việt-Nam. Bài ghi chép của Ông viết năm 1875, chỉ có 5 trang khổ nhỏ về các loại thuyền khác nhau của Việt Nam, phân loại khái quát ra như sau:

            - thuyền biển 8 kiểu,

            - thuyền sông 16 kiểu,

            - thuyền nhà nước 10 kiểu.

            Ông liệt-kê được tất cả 36 kiểu thuyền và ghe. Mỗi kiểu được mô tả sơ lược về loại gỗ làm thuyền, địa phương sản-xuất, đặc tính sử dụng...

           

 

PÉTRUS TRƯƠNG VĨNH KÝ CHÚ GIẢI VỀ CÁC LOẠI TẦU THUYỀN CỦA AN NAM *

Có hai loại tầu thuyền: tầu thuyền đi sông và tầu thuyền đi biển. Tầu thuyền làm bằng một khúc cây nguyên khối, hoặc bằng những tấm ván dài lấp theo chiều dài tầu thuyền và kết dính với nhau bằng những con chốt cũng bằng gỗ.

Gỗ dùng vào việc đóng tầu thuyền là thứ gỗ tốt chịu được nước và chịu được khí hậu thay đổi. Những thuyền nhỏ đóng bằng một thân cây, thường là gỗ sao. Những tầu thuyền khác thì lườn bằng gỗ sến hay gỗ sao (sao xanh) hoặc sao đẻn hay sao cá đuối. Để làm phần vỏ tầu người ta thường dùng gỗ bìn lin hay gỗ dầu (dầu long, dầu mít, dầu chon tôm, hoặc dầu con rá dên). Phần be tầu thì thường làm bằng hai tấm ván gỗ. Kèo cột chống đỡ cũng thường bằng gỗ sao hay gỗ bìn lin. Sàn cầu tầu bằng gỗ tạp hoặc bằng phên tre đan ghế ngồi bằng gỗ sao hay sến. Cột buồm bằng sến hay bằng sao thì tốt nhất.

TÊN CÁC LOẠI
TẦU THUYỀN KHÁC NHAU

TẦU THUYỀN ĐI  BIỂN               

Tầu thuyền đi biển đều làm bằng các thứ gỗ như kể trên, nhưng thường thì các tầu thuyền đi biển ở Bình Định hay Bắc Kỳ thì làm bằng gỗ kiền kiền, gỗ chò hay gỗ gò mỡ (?).

1. Ghe bầu là loại to hơn cả, dùng để đi xa. Mũi và đuôi nhọn, nhưng bụng thì phình rất rộng. Mép tầu uốn vào trong làm cho tầu như thu hẹp lại. Làm thế có mục đích tránh bị đánh thuế cao, vì việc đánh thuế tùy theo chiều ngang tầu đo ở nơi này. Cơ quan tính thuế không bị lừa, song việc đóng ghe bầu đã quen tạo tác như vậy. Ghe bầu được sử dụng từ Sài Gòn ra Huế.

2. Ghe cửa (ghe đi ở cửa biển) có hình dáng giống ghe bầu nhưng nhỏ hơn, dùng để chở gỗ, chở mắm, nước mắm, muối...

3. Nốc hay Giả là thứ ghe chuyên chở từ Huế tới ranh giới Trung Hoa. Từ lườn tới mép uốn cao của ghe đáng lẽ phải ghép bằng những tấm ván vắn gắn kết với nhau bởi những chốt gỗ, thì người ta lại ghép chúng bằng sợi dây tre luồn qua những lỗ nhỏ. Để trám những ghe này, người ta chỉ dùng vỏ tràm chứ không trát chai; cũng không bị thu hẹp ở vòng bụng như ghe bầu và được sử dụng như ghe bầu.

4. Mành (ở Bắc Kỳ) giống như Nốc, chỉ có khác là không dùng dây tre mà dùng chốt gỗ, việc trám kín các khe hở cũng làm như nhau.

5. Thuyền đinh được dùng ở Bắc Kỳ, nhỏ hơn hai loại trên. Lườn thuyển thẳng không như các loại ghe khác, phía mũi và đuôi cong lên, song cũng là một tấm ván. Từ mũi tới khúc ngang đỡ bánh lái thuyền cũng thẳng một mức. Có thể nói thuyền đinh ở Bắc Kỳ không có lườn. Đó là một thứ thuyền bằng phẳng.

6. Thuyền thoi có mũi và đuôi rất nhọn giống như hình con thoi ở các máy dệt; đó là loại đặc biệt ở Bắc Kỳ.

7. Ghe nang có lườn và vỏ bằng tre đan, cũng giống như đan rổ, đặc biệt ở Bắc Kỳ. – Để tránh thấm nước, người ta trát bằng phân trâu, hoặc bằng các chất nhựa bôi kín.

8. Thuyền cóc (giống con cóc) có phía mũi rộng và cao, dùng để chuyên chở những sản vật nhẹ như nón, chiếu, trà, v.v... Đó là loại thuyền riêng ở Bắc Kỳ.

THUYỀN ĐI SÔNG

I. Thuyền buôn

1. Ghe lồng là loại thuyền có làm một căn nhà lồng trên boong giành riêng cho thuyền trưởng và chứa những hàng hóa dễ hư hỏng (rộng từ 4 đến 10 sải chèo).

Ghe lồng chui cũng làm như ghe lồng trên, nhưng nhỏ hơn, chỉ rộng độ 3 hay 4 sải chèo.

2. Ghe be là loại thuyền nhỏ hơn, thường cả thân thuyền là một cây gỗ, nhưng muốn chở được nhiều hàng hóa hơn, người ta be cho cao bên sườn bằng hai tấm ván dài làm cho đáy thuyền thêm rộng lớn.

3. Ghe bốc chài là thuyền để chuyên chở. Đó là loại ghe luôn làm bằng một thân cây lớn có mái che khum khum khá cao. Ghe này dùng để chuyên chở hàng hóa.

4. Ghe gian là loại thuyền Cao Miên nguyên trước là kiểu Trung Hoa. Hai bên ghe có ghép những bó tre hay bương để giữ độ nối của ghe. Từ mũi tới cuối ghe, người ta làm kho chứa bằng tre lợp lá kín đáo để chuyên chở hàng hóa như bông vải, cá khô, đồ đất nung Cao Miên...

5. Ghe cá hay ghe rỗi là thứ thuyền nhỏ có mái che suốt, dùng để chuyên chở và nuôi cá sống.

6. Ghe cui cũng như ghe be, có hoặc không có mái, nhỏ gọn, dùng để chuyên chở hàng vặt.

7. Ghe ró là thuyền đánh cá, phía mũi chuyên chở đồ nghề lỉnh kỉnh vượt ra ngoài xa có mắc lưới thả xuống nước với mồi để câu cá mắc lưới hoặc bơi theo dòng chảy mà vào lưới.

8. Ghe mui ống là thuyền có mái uốn vòng. Dùng vào nhiều việc, nhưng không đủ lớn để có mái cố định, vì thế người ta chỉ làm mái tạm thời theo hình nửa vòng tròn dễ tháo ra lắp vào.

9. Ghe lường là thứ ghe thường làm bằng một thân cây, không có mái và thường có hai hay ba cọc chèo.

10. Ghe vạch hay ghe mũi vạch có mũi nhọn như một dao vạch bằng ngà mà phụ nữ thường dùng vạch trên lụa vải mỏng những đường cho kéo theo đấy mà cắt. Ghe này dùng để chuyên chở hành khách hay hàng hóa.

11. Ghe câu là tất cả loại ghe lớn hay nhỏ dùng chuyên vào nghề câu.

12. Ghe rõi đón là ghe nhỏ độ năm hay sáu sải chèo, không mái, rất gọn nhẹ, nhằm đi đón trước các ghe câu cá lớn để sớm mua được cá, hoặc mua được cá còn tươi sống.

13. Ghe đò là ghe chở hành khách qua sông thì gọi là đò ngang, chạy dọc theo sóng thì gọi là đò dọc.

14. Ghe ngo là ghe Cao Miên rất dài, khoét trong một thân cây, chỉ dùng trong các cuộc đua thuyền.

15.  Xuồng là thuyền nhỏ không mái, không bơi chèo, khoét trong một thân cây, dùng để chuyển tải phẩm vật qua rạch nhỏ và đẩy bằng tay.

16. Xuồng ong là ghe nhỏ và nhẹ nhàng, bơi bằng giầm qua suối rạch trong mùa lũ lụt để đi tìm mật ong và sáp ong.

II. Tầu thuyền làm việc nhà nước

1. Ghe hầu như ghe lồng, nhưng có mái theo hình đặc biệt, từ mũi xuống cuối ghe có sơn vạch đỏ suốt chung quanh, dùng để chuyên chở quan chức hay người làm việc công. Người ta dựng ở đuôi ghe hai cọc biểu hiệu, một cọc trang trí bằng lông công, cọc kia gắn một tượng cá gỗ mà đuôi tượng trưng làm cờ hiệu, trên đoạn gỗ gắn hai cột đó người ta treo hai quả chuông nhỏ.

2. Ghe lê là thứ thuyền khác giành cho quan chức. Ở hai mắt mũi thuyền, người ta thay bằng hai mẫu điêu khắc đặt trên nền đỏ.

3. Ghe son là thuyền có những mảng lớn sơn màu đỏ chạy quanh thuyền.

4.  Ghe ô là thuyền lớn sơn đen, gần như không mái, rất dài, nhiều cọc bơi chèo, dùng để chuyên chở binh lính, lương thực và vũ khí.

5.  Ghe hồng là thuyền quốc gia, sơn mầu hồng, dùng để chuyển chở sĩ quan và quan chức.

6.  Ghe quyển có hình mũi như một quyển sách mở, có mái che suốt con thuyền, dùng để chuyên chở binh lính.

7. Ghe diễu có các mép cơi cao lên bằng chì, bằng sắt hay bằng thiếc, dùng để vận tải các đồ nặng như súng thần công, tảng đá lớn, v.v...

8. Tam bản bình kiện là tầu lớn  với mép tầu phía mũi và phía đuôi đều cơi cao, dùng để vận tải mọi thứ cần thiết.

9. Hải vận là tầu chuyên chở của nhà binh trên đường biển.

10. Hải đạo là tầu thuyền lớn có mái che khá cao, để dùng trong chiến trận, đằng mũi cũng như phía hậu đều có đại pháo, bên phải có hai đại pháo, bên trái cũng có hai đại pháo. Các thủy thủ bơi chèo đều ở vị trí an toàn và kẻ địch không nhìn thấy.

Petrus Trương Vĩnh Ký

Nguyễn Đình Đầu (dịch)

 

* Petrus Trương Vĩnh Ký, Notes sur les diverses espèces de bateaux annamites. Bulletin du Comité agricole et industriel de la Cochinchine - BCAI 2e série. Tome 1. No IV – 1875. Trang 222-226.

Free Web Hosting